Tập đoàn Vingroup vừa gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không chỉ sau một thời gian ngắn doanh nghiệp này xúc tiến các thủ tục để thành lập hãng hàng không Vinpearl Air.

Đại diện Vingroup cho biết, quyết định được cho là nhằm tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Tập đoàn này.

Đồng thời, quyết định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation đảm nhiệm. Khoá đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên.

Vingroup vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước .

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, thị trường hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia. 

“Tuy nhiên, việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”, ông Quang nói.

Trao đổi với báo giới xung quanh quyết định của Vingroup, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết: "Theo Luật đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội là cơ quan nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án thành lập Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup. Do đó, theo Luật Đầu tư thì Bộ Giao thông Vận tải chỉ có văn bản góp ý về việc Tập đoàn Vingroup xin rút khỏi lĩnh vực này thôi", ông Tuấn nói.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, Vingroup là doanh nghiệp tư nhân, nên việc dừng dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air là do doanh nghiệp quyết định. Nguyên nhân có thể có nhiều lý do mà họ thấy không còn phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Giới chuyên gia bình luận quyết định này của Vingroup ở góc độ kinh doanh là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh áp lực hạ tầng hàng không chưa được giải quyết, sự gia tăng các hãng hàng không và số lượng tàu bay chỉ càng làm cho cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đe doạ an toàn bay, thậm chí cùng dìm nhau xuống đáy. 

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2014 - 2018, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường năm 2019 tiếp tục được duy trì ở hai con số với tốc độ tăng trưởng 11,8% về hành khách và 3% về hàng hoá so với năm 2018. Tổng vận chuyển hành khách đạt 78,3 triệu hành khách và vận chuyển hàng hoá đạt hơn 1,25 triệu tấn.

Dự báo, năm 2020, tổng thị trường đạt 86,8 triệu hành khách tăng 10,8% so với năm 2019 đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hoá tăng 11% so với năm 2019.

Tại thị trường nội địa, hiện hàng không Việt Nam có sự tham gia của 5 hãng hàng không. Nếu không tính đến Vinpearl Air thì còn 2 hãng hàng không khác đang chờ phê duyệt để được bay gồm Kite Air và Vietravel Airlines.

KIỀU LINH
15/01/2020 00:12